Chương trình là hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy giáo dục STEM tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tăng cường sự hứng thú và kết quả học tập của học sinh đối với các môn học STEM, đồng thời khơi dậy niềm quan tâm của học sinh đến các ngành học và nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM – những lĩnh vực giữ vai trò then chốt trong phát triển kinh tế tri thức và xã hội số.
Các giảng viên chia sẻ nội dung đào tạo.
Nội dung chương trình tập huấn tập trung vào thiết kế bài giảng STEM theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; ứng dụng các công cụ Trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, Copilot, Canva AI, Google Form AI… trong việc xây dựng học liệu bài giảng, trò chơi học tập và hệ thống câu hỏi kiểm tra đánh giá theo năng lực.
Việc đưa AI vào dạy học không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công việc chuyên môn của giáo viên mà còn là bước đi cụ thể hoá Phong trào Bình dân học vụ số, đồng thời góp phần triển khai Chiến lược quốc gia về Khoa học – Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số trong giáo dục. Thông qua hoạt động này, đội ngũ giáo viên được tiếp cận với các xu hướng giáo dục hiện đại, ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế dạy học, từ đó lan tỏa tư duy đổi mới sáng tạo trong nhà trường.
Các bạn sinh viên tham gia trợ giảng, hỗ trợ trong các buổi học
Bên cạnh nội dung cập nhật, phong phú, khoá tập huấn còn ứng dụng cách tiếp cận “học bằng làm”. Theo đó các học viên – giáo viên được chia thành những nhóm nhỏ và được hỗ trợ trực tiếp bởi các bạn sinh viên Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục xuyên suốt các buổi học, nhằm đảm bảo các thầy, cô có thể ứng dụng ngay những kỹ năng được tập huấn vào việc thiết kế các bài giảng thực tế. Sự đồng hành của đội ngũ giảng viên và sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong chương trình không chỉ tạo nên cầu nối giữa giáo dục đại học và giáo dục phổ thông mà còn góp phần nâng cao năng lực công nghệ, tư duy thiết kế bài giảng sáng tạo cho giáo viên địa phương.
Thầy Vũ Thế Phương phát biểu tại chương trình
Phát biểu tại chương trình, thầy Vũ Thế Phương – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoàng Su Phì chia sẻ:
“Đây là chương trình rất ý nghĩa, góp phần cụ thể hóa các chủ trương lớn của ngành về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong giáo dục. Chúng tôi trân trọng cảm ơn Quỹ Chắp cánh (CC Foundation đã tài trợ cho chương trình, đồng thời đánh giá cao sự đồng hành của Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục - Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên vùng cao – một mắt xích quan trọng để lan tỏa tri thức và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương.”
Lê Thị Mai – Giáo viên Trường THCS Liên Việt Huyện Xín Mần, khi biết đến chương trình đã vượt chặng đường hơn 40km xin tham dự chương trình, chia sẻ xúc động:
“Dù đường sá xa xôi, thời gian hạn hẹp nhưng tôi thực sự vui mừng vì đã có thêm nhiều kiến thức mới, đặc biệt là về ứng dụng AI vào việc thiết kế bài giảng. Tôi tin rằng sau tập huấn, giáo viên chúng tôi sẽ có thêm công cụ để làm bài giảng sinh động, khơi dậy hứng thú học tập cho học sinh.”
Không chỉ có giảng viên mà các sinh viên Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục cũng đồng hành cùng các thầy cô trong suốt chương trình. Nguyễn Thị Oanh – sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý giáo dục lần đầu tiên tham gia chương trình chia sẻ:
“Được tham gia chương trình là một trải nghiệm quý giá. Em học được rất nhiều từ các thầy cô và cũng cảm thấy mình có thể đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển giáo dục tại vùng cao.”
Chương trình là minh chứng cho nỗ lực đưa giáo dục chất lượng cao đến với vùng cao, vùng khó khăn – nơi mà những cơ hội học tập sáng tạo và công bằng đang dần trở thành hiện thực nhờ vào sự kết nối giữa nhà trường – cộng đồng – doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.