SINH VIÊN CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC “KHÁM PHÁ” CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP TẠI ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM
Sáng 18/4/2023, các bạn sinh viên Công nghệ giáo dục, Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội đã được đến tham quan, trao đổi các thông tin liên quan đến quy trình sản xuất, thực hiện các phóng sự phát thanh, các chương trình truyền hình; nghe giới thiệu và trải nghiệm hệ thống các studio (phòng thu) đa dạng với các mức độ hiện đại khác nhau của Đài tiếng nói Việt Nam. Đây cũng là một trong những hoạt động tăng cường trải nghiệm nghề nghiệp của Chương trình đào tạo Cử nhân Công nghệ Giáo dục.
Hình ảnh trải nghiệm tài VOV của sinh viên ngành Công nghệ Giáo dục
Tham gia đoàn trải nghiệm là các sinh viên năm thứ hai (K66) và năm thứ ba (K65) ngành Công nghệ Giáo dục. Lần đầu tiên được đến thăm Đài tiếng nói Việt Nam, các bạn sinh viên được ông Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký Biên tập của Đài hướng dẫn tham quan không gian truyền thống của Đài tiếng nói Việt Nam. Các bạn đã rất bồi hồi và tự hào khi được nghe giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Đài tiếng nói Việt Nam, những lần đến thăm và căn dặn cán bộ nhân viên Đài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của Đài tiếng nói Việt Nam trong các cuộc kháng chiến cứu quốc. Tự hào hơn nữa khi nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của Đài là cựu sinh viên Bách khoa.
Bồi hồi và tự hào khi được nghe giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Đài tiếng nói Việt Nam
Không khí bồi hồi lắng xuống nhường cho sự hào hứng khi các bạn tiếp tục được ông Đồng Mạnh Hùng giới thiệu về quy trình sản xuất phóng sự phát thanh, bắt đầu từ việc xây dựng ý tưởng đề tài, lập ekip sản xuất, xác định ý tưởng sơ bộ, tìm hiểu thông tin, phỏng vấn, thu thanh, hoàn thiện kịch bản,dàn dựng/pha âm, phát sóng và phản hồi. Các bạn sinh viên khá ngạc nhiên khi quy trình này khá tương đồng với quy trình xây dựng học liệu số, các nội dung truyền thông sử dụng hình thức podcast được trao đổi và hướng dẫn trên giảng đường. Một điểm khá quan trọng được ông Hùng nhấn mạnh là vai trò của việc lấy hơi và giọng nói khi thực hiện các phóng sự phát thanh. Đây cũng là một kỹ năng rất quan trọng của những các giáo viên, giảng viên và những người tham gia sản xuất bài giảng có sử dụng giọng nói.
Chụp ảnh lưu niệm tại VOV
Kết thúc bài giảng về quy trình sản xuất phóng sự phát thanh, các bạn sinh viên được tham quan và trải nghiệm phòng studio của kênh truyền hình VOVTV. Vừa thử làm phóng viên, biên tập viên, các bạn sinh viên lại được quan sát và trải nghiệm các trang thiết bị và quy trình sản xuất bản tin hình. Đây cũng là những bài thực hành mà các bạn sẽ được thực hiện khi làm các bài tập nhóm hoặc đồ án môn học liên quan đến xây dựng bài giảng e-learning tại phòng studio tại Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc trong một số dự án mà Nhà trường sẽ triển khai trong thời gian tới.
Tham quan trải nghiệm studio của VOV
Rời không gian giàu truyền thống của địa danh lịch sử 58 Quán Sứ, đoàn sinh viên của Viện di chuyển sang Trung tâm Sản xuất và lưu trữ chương trình, Kênh Thời sự VOV1 của Đài tại 39-43 Bà Triệu. Tại đây, bên cạnh các việc tham quan các studio, các quy trình sản xuất, tác nghiệp của các kênh truyền thanh, các bạn sinh viên còn được giới thiệu và tham quan kho lưu trữ tư liệu khổng lồ và quý giá của Đài tiếng nói Việt Nam, được trao đổi về các cơ hội việc làm và yêu cầu tuyển dụng nếu có nguyện vọng trở thành các phóng viên, biên tập viên của Đài.
Tham quan trải nghiệm studio của VOV
Chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ, các bạn sinh viên của Viện đã được chia sẻ và tích luỹ nhiều thông tin hết sức bổ ích, giúp các bạn hiểu rõ hơn một trong những định hướng nghề nghiệp của ngành Công nghệ Giáo dục.
Sau chuyến trải nghiệm, sinh viên Phùng Trần Gia Bảo (K66) chia sẻ trên trang Facebook cá nhân những cảm xúc của mình:
"Đây là đài tiếng nói Việt Nam...."
Một chuyến trải nghiệm đầy thú vị, lần đầu tiên được bước chân vào đài phát thanh truyền hình có lịch sử lừng lẫy nhất cả nước! Đài VOV - đài phát thanh đầu tiên ghi dấu tiếng nói của dân tộc qua bao thăng trầm của lịch sử. Được lắng nghe các cô, chú chia sẻ về lịch sử của đài, các kỹ thuật khi sản xuất nội dung phát thanh và truyền hình, gặp gỡ các cô chú trong ban thời sự, được đến tận các phòng thu, trường quay, kho lưu trữ tư liệu,...
Hồi nhỏ ngồi coi tivi vẫn luôn tò mò về những con người phía sau những chương trình truyền hình đấy! Hy vọng những trải nghiệm sẽ cho mình nhiều hiểu biết mới!
Tác giả: Nguyễn Thị Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn