Tiếp nối thành công của các chương trình Chắp cánh STEM và E-Learning tại Dế Xu Phình, Lai Châu, và Quảng Bình, từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 4 năm 2024, với sự tài trợ của Quỹ Chắp cánh (CC Foundation) và đề nghị từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông, Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục đã thiết kế và tổ chức Khoá tập huấn Kỹ năng thiết kế bài giảng STEM và E-Learning cho giáo viên tiểu học và THCS đến từ 17 trường học trên địa bàn huyện.
Một số hình ảnh tại khóa tập huấn Kỹ năng thiết kế bài giảng STEM và E-Learning.
Khoá học được thiết kế theo cách tiếp cận “học bằng làm”, theo đó phần lớn thời gian của khoá học các học viên sẽ được hướng dẫn và trực tiếp thực hành các kỹ năng thiết kế bài giảng E-Learning với một bài học được lựa chọn trong các bộ sách giáo khoa thuộc Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 phù hợp với chuyên môn của nhóm giáo viên; thiết kế kịch bản tổ chức các hoạt động trong lớp học ứng dụng phương pháp dạy học STEM, và tổ chức ngày hội STEM cho học sinh khối THCS.
Ông Nguyễn Tiến Thắng, huyện uỷ viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Điện Biên Đông
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Tiến Thắng, huyện uỷ viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Điện Biên Đông cho biết: “Tập thể lãnh đạo Phòng Giáo dục và các thầy, cô giáo rất kỳ vọng ở Khoá tập huấn này. Qua quá trình trao đổi, chuẩn bị, chúng tôi đã nhận thấy các thầy, cô giáo ở Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục - Đại học Bách khoa Hà Nội đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, cụ thể, chi tiết từ công tác hậu cần, cơ sở vật chất đến đề xuất các nội dung thiết thực để Khoá tập huấn này không phải là “cưỡi ngựa xem hoa” như thường thấy”.
Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Quỹ Chắp cánh
Ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc Quỹ Chắp cánh chia sẻ: Đây là dự án thứ 4 chúng tôi đồng hành cùng với Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục - Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc mang kiến thức, kỹ năng thiết kế bài giảng STEM và E-Learning đến với các thầy, cô giáo ở những địa bàn khó khăn. Chúng tôi hiểu rằng, để được tiếp cận với những kiến thức, phương pháp dạy học không phải lúc nào cũng dễ dàng với các thầy, cô. Với những dự án đã thực hiện, chúng tôi tin tưởng rằng với khoá tập huấn này, các thầy, cô sẽ không chỉ ngồi nghe giảng thông thường, mà sẽ phải làm việc, thực hành rất nhiều và sẽ thu được những kinh nghiệm bổ ích. Đó cũng chính là lý do mà những năm qua, chúng tôi chỉ chọn Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục là đối tác thực hiện các dự án Chắp cánh STEM và E-Learning”.
PGS. TS. Lê Hiếu Học - Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục
Bày tỏ sự xúc động khi được đến Điện Biên vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), PGS. TS. Lê Hiếu Học - Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục nhấn mạnh niềm vui và sự tự hào của các giảng viên và sinh viên của Khoa khi được thực hiện dự án trên chính địa danh nổi tiếng, gắn với một trong những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam: “Đây là một cơ hội vô cùng quý báu đối với thầy, trò chúng tôi khi được đến Điện Biên vào những ngày tháng 4, tháng 5 lịch sử này. Sự tham gia của giảng viên và sinh viên của Khoa trong những dự án Chắp cánh chỉ là những đóng góp nhỏ bé, là trách nhiệm của thế hệ trẻ trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước để xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ cha ông nhằm đem lại độc lập, hoà bình cho đất nước.