Với chủ đề "Empowering Global Citizens through Multilingual, Multicultural Competence, and Educational Excellence: Innovations, Challenges, and Opportunities" (Trao quyền cho Công dân Toàn cầu thông qua Năng lực Đa ngôn ngữ, Đa văn hóa và Xuất sắc trong Giáo dục: Đổi mới, Thách thức và Cơ hội), hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực ngôn ngữ và văn hóa để đáp ứng yêu cầu của một nền giáo dục toàn cầu hóa.
Hội thảo ICEF 2024 đã nhận được gần 100 bản thảo, trong đó có 75 bài được chấp thuận. Đáng chú ý, 10 bài trong số này đã được chọn để công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế, và 65 bài còn lại được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo.
Phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Lĩnh vực Khoa học Giáo dục và Giảng dạy Ngoại ngữ đóng vai trò quan trọng đối với Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế. Cụ thể, lĩnh vực Khoa học Giáo dục cung cấp các phương pháp sư phạm tiên tiến, giúp giảng viên phát triển kỹ năng giảng dạy hiện đại, cá nhân hoá quá trình học tập và sử dụng công nghệ giáo dục hiệu quả, qua đó giúp ĐHBk Hà Nội nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Với lĩnh vực Giảng dạy Ngoại ngữ, sinh viên được trang bị kỹ năng ngôn ngữ và văn hóa cần thiết để hội nhập vào môi trường học tập và làm việc toàn cầu. Điều này giúp Đại học Bách khoa Hà Nội thu hút nhiều sinh viên quốc tế và phát triển các chương trình trao đổi sinh viên, nâng cao vị thế của trường trong hệ thống giáo dục quốc tế. Nhờ vào vai trò thiết yếu của Khoa học Giáo dục và Giảng dạy Ngoại ngữ, ĐHBK Hà Nội không chỉ củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực giáo dục mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo của xã hội, từ đó xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Nội dung chính của Hội thảo bắt đầu với các bài phát biểu khai mạc từ đại diện lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội và các tổ chức quốc tế. Các bài tham luận chính bao gồm:
- Phát triển và triển khai E-learning tại Đông Nam Á và Việt Nam do GS. Thomas Köhler từ Đại học Kỹ thuật Dresden, Đức chia sẻ những tiến bộ và thách thức trong việc áp dụng e-learning trong giáo dục giảng viên, đồng thời nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc cá nhân hóa quá trình học tập. Giáo sư cũng chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu về việc sử dụng các công cụ AI, như trợ lý học tập số, để hỗ trợ cá nhân hóa quá trình học tập. AI giúp cải thiện quá trình tư vấn, hướng dẫn, quản lý dữ liệu học viên và cung cấp phản hồi tức thời, qua đó nâng cao hiệu quả học tập. Giáo sư cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển chương trình đào tạo giáo viên tại các trường đại học Đông Nam Á và Việt Nam, sử dụng phương pháp học tập kết hợp (blended learning) và nền tảng số. Các chương trình này không chỉ trang bị cho giảng viên các công cụ số hóa mà còn giúp họ áp dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo. Bên cạnh đó, Giáo sư đề cập đến các thách thức trong việc triển khai e-learning tại Đông Nam Á và Việt Nam, bao gồm sự hạn chế về hạ tầng công nghệ, sự khác biệt văn hóa, và nhu cầu cải thiện năng lực số. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các cơ sở giáo dục khai thác tiềm năng của công nghệ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng phạm vi tiếp cận giáo dục.
- Bài phát biểu “Giáo dục và Đổi mới sáng tạo hướng tới Phát triển bền vững” do GS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc thúc đẩy các sáng kiến bền vững và những nỗ lực nghiên cứu nhằm định hình tương lai của giáo dục bền vững. Với những thách thức toàn cầu hiện nay như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, và cạn kiệt tài nguyên, Giáo sư Lê Anh Vinh đề cập đến sự cần thiết phải lồng ghép giáo dục bền vững vào các chương trình đào tạo ở tất cả các cấp học nhằm xây dựng thế hệ công dân toàn cầu có trách nhiệm và nhận thức sâu sắc về các vấn đề môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, Giáo sư Lê Anh Vinh chia sẻ về các nghiên cứu và thực tiễn đổi mới trong giáo dục tại Việt Nam, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả học tập và giảng dạy. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong thiết kế chương trình học tập cá nhân hóa, tạo điều kiện để học sinh và sinh viên phát huy tối đa tiềm năng của mình. Ngoài ra, Giáo sư cũng đề xuất những giải pháp cụ thể để xây dựng môi trường học tập kết nối, liên ngành và sáng tạo. Những nội dung này không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của giáo dục trong phát triển bền vững mà còn cung cấp các định hướng quan trọng cho việc đổi mới hệ thống giáo dục tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số.
- Chủ đề “Trường học không biên giới: Các phương pháp đa ngôn ngữ và đa văn hóa trong giáo dục toàn cầu hóa” - do GS. Alandeom Oliveira từ Đại học New York tại Albany, Mỹ trình bày theo hình thức trực tuyến. Giáo sư Oliveira nhấn mạnh hiện tượng “nhập khẩu” các cách tiếp cận giáo dục quốc tế như STEM, cho rằng điều này có thể mang lại cả lợi ích và thách thức. Lợi ích bao gồm cải thiện chương trình giảng dạy, tăng cường tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, và cơ hội hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra các hạn chế như thiếu nguồn lực tài chính, bất cập trong cơ sở hạ tầng, và sự chuẩn bị chưa đầy đủ của giáo viên trong việc thực hiện các phương pháp tích hợp STEM. Giáo sư kêu gọi các nhà hoạch định chính sách chuyển từ việc "nhập khẩu" sang "học hỏi chính sách," tức là xem xét kỹ lưỡng các thành công và thất bại của quốc gia khác để áp dụng phù hợp với bối cảnh địa phương. Giáo sư trình bày về khái niệm translanguaging, một phương pháp sử dụng linh hoạt và sáng tạo nhiều ngôn ngữ trong giao tiếp và giáo dục. Translanguaging không chỉ thách thức các chuẩn mực đơn ngữ mà còn khuyến khích tính đa dạng ngôn ngữ như một nguồn lực quan trọng. Bên cạnh đó, quốc tế hóa chương trình giảng dạy với nội dung toàn cầu hóa giúp sinh viên phát triển các kỹ năng liên văn hóa, hiểu biết sâu sắc về văn hóa khác, đồng thời thúc đẩy sự hòa nhập và tôn trọng sự khác biệt. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng việc toàn cầu hóa chương trình học cần cân nhắc tránh sự "đồng hóa văn hóa" do ảnh hưởng của các nền văn hóa mạnh mẽ.
Những nội dung này được tiếp tục thảo luận sôi nổi trong phần thảo luận đa chiều giữa các diễn giả, các nhà khoa học và các sinh viên tham dự Hội thảo.
Buổi chiều cùng ngày, các phiên thảo luận song song cũng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu với các chủ đề như: Tiến bộ trong Công nghệ Giáo dục, Tác động của Công nghệ lên Thành công của Học sinh và Sức khỏe Tinh thần, Ngôn ngữ và Hành trình Học tập, và Xuất sắc trong Quản trị Giáo dục. Các báo cáo và phiên thảo luận đã giúp các đại biểu hiểu sâu hơn về những thay đổi và xu hướng trong lĩnh vực giáo dục, giảng dạy ngoại ngữ, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và nhu cầu phát triển kỹ năng toàn diện cho sinh viên. Hội thảo cũng đã trao giải thưởng Báo cáo thuyết trình và Báo cáo poster xuất sắc nhất cho mỗi phân ban.
Hội thảo ICEF 2024 không chỉ là cơ hội để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, mà còn tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển giáo dục. Sự kiện này góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và phát triển năng lực giáo viên, hướng đến một nền giáo dục tiên tiến và bền vững cho Việt Nam từ các quan điểm quốc tế.