Giới thiệu chung

Giới thiệu chung

Giai đoạn đầu thành lập, Ban Sư phạm kỹ thuật do PGS. TS. Hoàng Văn Phong - nguyên Hiệu trưởng trường ĐHBK Hà Nội trực tiếp điều hành cùng với hai PGS chuyên trách là PGS. Nguyễn Hoa Toàn và PGS. Lương Duyên Bình. Trên nền tảng của Ban, ngày 2/8/1997, Khoa Sư phạm kỹ thuật được thành lập theo quyết định số 2469/GD-ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo với sứ mạng: Đào tạo giáo viên giảng dạy các môn kỹ thuật công nghiệp cho các trường phổ thông. Tại thời điểm này, đội ngũ cán bộ của Khoa là những thầy, cô giáo giàu kinh nghiệm chuyên môn và giỏi về năng lực sư phạm như: GS.TS. NGND. Nguyễn Xuân Lạc, PGS. Nguyễn Hoa Toàn, PGS. Lương Duyên Bình, PGS. Nguyễn Trọng Bình, và TS. Lê Thanh Nhu.
 
Trước nhu cầu thực tiễn, ngày 21/11/2012, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã ký quyết định số 2952/QĐ-ĐHBK-TCCB nâng cấp Khoa Sư phạm kỹ thuật thành Viện Sư phạm kỹ thuật. Khi này, Viện nhận nhiệm vụ lớn hơn: đào tạo giáo viên Sư phạm kỹ thuật có trình độ đại học và sau đại học cho hệ thống các trường trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật và dạy nghề, các trường Sư phạm kỹ thuật, các khoa Sư phạm kỹ thuật của các trường đại học, các trung tâm hướng nghiệp của tỉnh, thành phố.

Năm 2023, tham gia tích cực vào tiến trình tái cấu trúc của ĐHBK Hà Nội, Viện Sư phạm Kỹ thuật đã chuẩn bị đề án chuyển đổi mô hình tổ chức và được Hội đồng Đại học thông qua tại Nghị quyết số 60/NQ-ĐU ngày 30/10/2023, chính thức hoạt động dưới tên gọi mới Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục, tiếp tục triển khai chiến lược phát triển của đơn vị về đào tạo, nghiên cứu, hợp tác doanh nghiệp, và hợp tác quốc tế.


1. Về hoạt động đào tạo
a. Đào tạo đại học
Từ năm 1997 đến nay, Khoa đã đào tạo được gần 1000 cử nhân tốt nghiệp, hiện đang là giáo viên các trường phổ thông, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp. Đáng chú ý, từ năm 2019, đón đầu xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục, Khoa là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đào tạo Cử nhân Công nghệ Giáo dục. Tới năm 2024, Khoa là một trong số những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đào tạo Cử nhân Quản lý giáo dục với hai định hướng: Quản lý giáo dục số và Quản lý chất lượng giáo dục. 
Quá trình phát triển các chương trình đào tạo mới được căn cứ theo xu hướng phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội, theo nhu cầu của các nhà tuyển dụng, và dựa trên nền tảng thế mạnh của ĐHBK Hà Nội về khoa học, kỹ thuật và công nghệ. 
b. Đào tạo sau đại học
Quy mô đào tạo sau đại học hằng năm là 50 học viên cao học và 10 nghiên cứu sinh theo ngành Lý luận và Phương pháp dạy học. Nhiều cựu sinh viên, cựu học viên và cựu NCS của Khoa hiện đang giữ chức vụ quản lý tại các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục và giáo dục nghề nghiệp.
Các đề tài sau đại học tập trung nghiên cứu vào những lĩnh vực như: xây dựng chương trình đào tạo, các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề, các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo trong dạy nghề, ứng dụng máy tính trong dạy học, và E-learning.
c. Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn
Khoa thực hiện các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm kỹ thuật bậc 1 cho cán bộ tại các cơ sở đào tạo nghề, giáo viên thực hành nghề, và bậc 2 cho giáo viên các trường ĐH, CĐ theo đơn đặt hàng của nhiều cơ sở giáo dục. 


2. Về hoạt động nghiên cứu khoa học
Các nhà khoa học, cán bộ giảng viên tại Khoa KH&CN Giáo dục là chủ nhiệm và thành viên của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, các dự án phối hợp cùng với các tổ chức phi chính phủ về các chủ đề:

  • Phương pháp giảng dạy các môn kỹ thuật
  • Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập
  • Ứng dụng e-learning trong giảng dạy các môn kỹ thuật
  • Thiết kế sách điện tử cho các môn sư phạm kỹ thuật
  • Kiểm định chất lượng các trường thuộc khối Giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp
  • Đánh giá-kiểm tra trong các môn học
  • Quản trị đại học và quản trị nhà trường
  • Mức độ gắn kết và mức độ sẵn sàng của người học trong môi trường học tập số.
  • Hợp tác trường đại học và doanh nghiệp 

3. Về hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế
a.  Hợp tác trong nước
Khoa KH&CN Giáo dục có một mối quan hệ gắn bó với các đối tác trong nước, bao gồm:

  • Các cơ quản quản lý Nhà nước: Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở/Phòng Giáo dục và đào tạo các địa phương. 
  • Các cơ sở đào tạo về đào tạo nghề, về sư phạm kỹ thuật, về Khoa học giáo dục: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Phương Đông, Viện Khoa học Giáo dục…
  • Một số tổ chức phi chính phủ: Quỹ Chắp cánh (CC-Foundation)
  • Các doanh nghiệp về giáo dục số như: Học viện Viettel, FPT Software, VNPT-IT, Công ty TNHH Khoa Trí, Học viện Công nghệ Teky, Công ty Cổ phần Edulive Toàn Cầu, Công ty Công nghệ Liberal, Công ty Cổ phần Doanh nghiệp Xã hội HR Companion, Công ty Cổ phần CodeGym, Công ty Cổ phần Onschool, Datality Lab Limited, Nền tảng giáo dục trực tuyến ClassIn…

b. Hợp tác quốc tế
Về nghiên cứu, mỗi cán bộ giảng viên tại Khoa đều chủ động đồng nghiên cứu với các học giả quốc tế có uy tín trong chuyên ngành, tập trung tại một số quốc gia như Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Pháp, Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc. 
Về đào tạo, Khoa đã liên kết đào tạo sau đại học với Viện sư phạm dạy nghề - Đại học TU-Dresden, CHLB Đức từ những năm 1998 với 4 khóa cao học Việt - Đức đã được đào tạo và sẽ triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ phối hợp trong thời gian sắp tới. 
Từ năm 2022, Khoa hợp tác với Học viện Công nghệ Shibaura (Shibaura Institute of Technology – SIT), Nhật Bản tổ chức các chương trình gPBL tại Việt Nam và Nhật Bản, trao đổi sinh viên trong học tập và nghiên cứu.


Liên lạc với Khoa KH&CN Giáo dục:
Văn phòng Khoa: Phòng M321, Nhà C7, Đại học Bách Khoa Hà Nội
Điện thoại: 0902.282.489
Email: sepd@hust.edu.vn
Website: http://fed.hust.edu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây