Viện Sư phạm Kỹ thuật phối hợp Đại học RMIT Việt Nam tổ chức Toạ đàm Phương pháp sư phạm và trải nghiệm sinh viên trong Giáo dục Đại học Kỷ nguyên số

Thứ sáu - 16/12/2022 01:48

Viện Sư phạm Kỹ thuật phối hợp Đại học RMIT Việt Nam tổ chức Toạ đàm Phương pháp sư phạm và trải nghiệm sinh viên trong Giáo dục Đại học Kỷ nguyên số

 

Sáng ngày 14/12/2022, Viện Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội đã cùng với Đại học RMIT Việt Nam đồng chủ trì Toạ đàm về Cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm Giáo dục Đại học trong kỷ nguyên số - Phương pháp sư phạm và trải nghiệm sinh viên (Community of Practice on Higher Education in the Digital Age – Pedagogy and Student Experiences).

 

Toạ đàm được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến

 

Toạ đàm được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư. Claire Macken, Thành viên Hội đồng, Tổng Giám đốc Đại học RMIT Việt Nam, PGS. TS. Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội và hơn 200 đại biểu là cán bộ quản lý, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước và các giảng viên của Đại học RMIT (tại Úc và Việt Nam).

 

PGS.TS Lê Hiếu Học điều phối phiên chia sẻ trong buổi toạ đàm

 

Phát biểu chào mừng, GS Claire Macken cho biết: “Trong 2 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19 đối với hệ thống giáo dục trên toàn thế giới, Đại học RMIT Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các trường đại học tại Việt Nam dưới sự hỗ trợ và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để tổ chức hàng loạt hội thảo & đào tạo trực tuyến chuyên sâu về các chủ đề Học tập trực tuyến và học tập số tăng cường (Online and Digitally Enhanced Learning – ODEL). Các hội thảo chuyên sâu đã thu hút 100 chuyên gia giáo dục đại học, 20 quan chức chính phủ Úc và Việt Nam cùng gần 3.000 người tham gia và 300 tổ chức giáo dục đại học”.

 

Hình ảnh toàn cảnh buổi toạ đàm. 

 

Các kết quả mong muốn của chuỗi hoạt động này bao gồm:

  • Hiểu biết sâu sắc hơn về các cơ hội và thách thức của giáo dục trực tuyến và giáo dục kết hợp mà Việt Nam, Úc và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt; Kinh nghiệm của Úc có thể giúp giải quyết những thách thức này.

  • Hiểu biết về cách thức công nghệ hỗ trợ cho các giải pháp học tập số hiệu quả và đổi mới

  • Những vấn đề chính sách cần xem xét thêm khi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiến triển trên hành trình chung nhằm số hóa giáo dục và đào tạo

  • Diễn đàn đối thoại chính sách đang diễn ra, do Việt Nam và Úc dẫn đầu, nhằm giải quyết các cơ hội và thách thức lớn trong giáo dục trực tuyến và giáo dục kết hợp mà khu vực đang phải đối mặt

  • Cộng đồng Thực hành (CoP) để chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các chính sách và thực tiễn tốt nhất, cũng như khám phá các cơ hội hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức và các học viên.

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sự cần thiết sự ủng hộ của Bộ đối với chuỗi hoạt động này: “Chúng tôi rất ủng hộ, rất khuyến khích các hoạt động của Cộng đồng thực hành, và mong muốn RMIT tiếp tục tổ chức các hoạt động có ý nghĩa này để cùng các cơ sở GDĐH Việt Nam triển khai thực hiện hiệu quả nhất nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành, đi đầu trong các lĩnh vực KT-XH của VN, góp phần không ngừng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt nam, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế”.

 

Sau 4 toạ đàm đã diễn ra với các chủ đề: Bối cảnh, kế hoạch, phạm vi, phương thức và kết quả mong muốn của giáo dục trực tuyến, giáo dục kết hợp; Đảm bảo chất lượng; Đào tạo về Đảm bảo chất lượng học tập trực tuyến cho ODEL tại Việt Nam và Công nghệ trong tương lai; Toạ đàm lần thứ 5 này tập trung vào thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về trong giảng dạy trực tuyến và trải nghiệm của sinh viên.

Tại Toạ đàm, các đại biểu đã được nghe chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia về tiêu chuẩn TEQSA trong giảng dạy và trải nghiệm sinh viên, cách thức Đại học RMIT tuân thủ tiêu chuẩn TEQSA, Thực tiễn triển khai giảng dạy trực tuyến, giảng dạy kết hợp, trải nghiệm và kết quả đánh giá của sinh viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Phenikaa. Trong đó, TS. Nguyễn Thị Huyền, giảng viên Viện Sư phạm Kỹ thuật đã trình bày tham luận về thực trạng triển khai đào tạo kết hợp (blended learning) tại Đại học Bách khoa Hà Nội và những kinh nghiệm của cá nhân trong việc dạy học kết hợp và những cách thức mà TS. Nguyễn Thị Huyền đã thực hiện để vượt qua những khó khăn của việc dạy học trực tuyến.

 

TS. Nguyễn Thị Huyền - GV Viện SPKT chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến tại toạ đàm 

 

Sau phần chia sẻ kinh nghiệm của các diễn giả, Toạ đàm cũng đã nhận được những câu hỏi trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm sôi nổi của các cán bộ, giảng viên tham dự.

PGS. TS. Hồ Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm đào tạo trực tuyến, Trường Đại học Giao thông Vận tải, một trong những người tham dự chuỗi Toạ đàm từ những buổi đầu tiên đã cảm ơn Đại học RMIT về những nỗ lực trong công tác tổ chức hoạt động này và mong muốn sẽ có nhiều buổi trao đổi chuyên sâu hơn về các vấn đề cụ thể của đào tạo trực tuyến, như: thiết kế kịch bản dạy học, tổ chức hoạt động tương tác cho sinh viên trên môi trường số, phương thức theo dõi và đánh giá kết quả học tập của sinh viên, kỹ thuật multimedia v.v. Đây cũng là mong muốn của đông đảo giảng viên các cơ sở giáo dục đại học tham gia buổi Toạ đàm nhắn tin và chia sẻ với Ban tổ chức.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây